Phân Biệt Đền, Chùa, Miếu, Am

Thời đại kinh tế toàn cầu hóa, hội nhập đưa đến những phát triển vượt bậc về kinh tế, khoa học kĩ thuật. Con người dường như phải chạy đua với thời đại để có thể tồn tại, bắt kịp xu thế. Nhưng. các cụ thường nói “có cổ thì mới có kim” và một thực tế đáng buồn là có những “cái cổ” hiện hữu, song song tồn tại với những “cái kim” hiện nay mà chúng ta còn rất mơ hồ về nó. Mấy ai đầu xuân năm mới đi đền này, chùa nọ, lễ bái tứ phương hiểu rõ về đình chùa miếu mạo…. Nguyện vọng nhỏ nhoi của bài viết này nhằm cung cấp cho bạn đọc một cách hiểu cơ bản về các khái niệm: đình, đền, chùa, miếu, điện, phủ, am.

1. Đền thờ anh hùng, thánh nhân

Nơi thờ cúng một vị thánh nhân, những anh hùng có công lớn với đất nước, những nhân vật lịch sử  được suy tôn lên hàng thánh thần theo các truyền thuyết dân gian gọi là đền.

Việt Nam ta có các đền lớn nổi tiếng như Đền Hùng thờ vua Hùng Vương, Đền Gióng thờ anh hùng dân tộc Thánh Gióng, Đền Trần thờ Trần Hưng Đạo vương…

Vì các vị thần thánh, anh hùng dân tộc được thờ ở đền đều là những người có vị trí quan trọng, khai thiên lập địa, bảo vệ đất nước trong suốt chiều dài lịch sử nên đó thường là những ngôi đền nổi tiếng cấp quốc gia.

2. Chùa- Đại diện của nhà Phật

Chức năng chính của chùa là nơi thờ Phật, lưu giữ và truyền tải giáo lý nhà Phật. Những người theo Phật đạo thường tới chùa để học Phật pháp. Tuy nhiên, Phật khuyến thiện trừ ác nên kể cả những người ngoại đạo có nhu cầu đều có thể đến chùa.

Chùa ngày nay thường có thêm ban thánh mẫu thờ mẫu thượng ngàn, ban cô ban cậu, các vị thánh thần… để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân.

Vì vậy, khi đến chùa dù mong cầu gì thì cơ bản nhất phải biết đặt lễ cho đúng. Lễ Phật tuyệt đối không đặt đồ mặn, còn Lễ Mẫu có thể tùy tâm.

3. Đình- đại diện của văn hóa làng xã

Những người có công khai sơn lập ấp hoặc sáng lập ra một tổ nghề được người dân trong làng ghi nhớ công ơn, đắp tượng xây nhà để thờ tự gọi là Thành hoàng. Nơi thờ Thành hoàng là Đình.

Dưới xã hội phong kiến, đình làng ngoài chức năng chính là thờ Thành hoàng thì chức năng phổ biến là nơi tụ họp bàn bạc các công việc của làng xã. Tất cả những vấn đề nảy sinh trong đời sống sinh hoạt: xét xử, kiện tụng, họp hành, phạt vạ, nộp sưu… đều diễn ra ở Đình. Bởi vậy, cùng với cây đa quán nước thì  sân Đình là nơi thể hiện đậm đặc nhất đặc trưng văn hóa làng xã của từng vùng miền.

4. Miếu- một hình thức khác của đền

Có thể dễ dàng phân biệt Miếu với Đền ở quy mô kiến trúc. Miếu cũng thờ các vị thần linh nhưng các vị thần linh chung chung. Vị trí của các vị thần linh này trong công lao đối với đất nước  thì chỉ ở mức độ làng xã vì vậy Miếu cũng nhỏ hơn Đền rất nhiều.

Đối tượng thần linh thờ trong Miếu thường phiếm chỉ và tượng trưng. Ví dụ như miếu Cô, miếu Cậu, miếu thủy thần, thổ thần…

Những điểm xa khu dân cư, yên tĩnh như gò, đồi, sườn sông, sườn núi…là nơi phù hợp để cất miếu. Tín ngưỡng dân gian quan niệm đó là nơi an vị tuyệt vời để các vị thần linh có thể canh giữ và bảo vệ cho dân làng.

5. Điện hay Điện thờ

Điện trong đời sống sinh hoạt chỉ nơi ở, nơi làm việc của vua chúa ngày xưa: Điện Thái Hòa, Điện Diên Hồng, Điện Cần Chánh.

Điện trong đời sống tâm linh chính là chỉ điện thờ- nơi để tượng chư vị thánh thần, ngai thờ, bài vị và các vật phẩm thờ cúng khác như bát hương, đèn nến, lọ hoa, tiền vàng…

6. Phủ- Tín ngưỡng thờ Mẫu

Tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu Tam-Tứ Phủ thì sẽ hiểu rõ về Phủ. Phủ chính là nơi thờ các vị Thánh mẫu( Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải). Đây là một tín ngưỡng trong văn hóa tôn thờ hình ảnh người Mẹ trong tâm thức người Việt.

Người mẹ sinh sôi, yêu thương và che chở, ngọn nguồn cho ta sự sống nên có một vị trí vô cùng quan trọng. Cảm tạ ơn sâu Thánh Mẫu mà Phủ được dựng lên, ngoài ra Phủ Mẫu còn được thờ tự lồng ghép trong Chùa.

7. Am- một dạng thức tồn tại khác của chùa

Nếu như Chùa gắn với Phật giáo thì Am lại gắn liền với Đạo giáo. Nguồn gốc của Am trong văn hóa Trung Hoa: khi cha mẹ khuất núi người con để tỏ lòng hiếu thảo dựng một ngôi nhà nhỏ trong vườn tịnh tâm mà chịu tang.

Thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, có thể vì Am nhỏ, vắng vẻ và yên tĩnh nên được  các ni chọn làm nơi tu hành và thờ Phật.

Am phổ biến là thờ Phật nên Am là một dạng thức tồn tại của chùa nhưng quy mô nhỏ hơn chùa rất rất nhiều.

* Thay lời kết:

Có thể dễ dàng nhận thấy dù là thờ Thánh, Thần, Phật, Mẫu hay bất cứ ai dưới bất kì hình thức nào: đình, chùa, đền, miếu, am hay phủ…. thì múc đích cuối cùng là thể hiện lòng biết ơn, ghi nhớ công lao trong truyền thống “uống nước nhớ nguồn”  của con người Việt Nam ta. Đồng thời thể hiện nét độc đáo, đa văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng, tín ngưỡng tâm linh của người Việt.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *