Cặp ông Địa – Thần Tài đã trở nên khá quen thuộc với văn hóa Việt Nam, nhất là với những người làm ăn buôn bán. Vậy Thần Tài là ai? Thổ Địa, Thần Tài thậm chí là cả phật Di Lạc có gì liên quan? Cách thờ cúng các vị này ra sao? Đồ gỗ mỹ nghệ Văn Sáu xin chia sẻ một số thông tin thú vị dưới đây.
1. Thần tài là ai? hay là sự tích về Thần Tài
Có nhiều truyền thuyết, điển tích về Thần Tài. Phổ biến nhất là phong tục thờ Thần Tài Triệu Công Minh (tên thường gọi là Lương, tên chữ là Công Minh), được phong là “Kim long như ý chính nhất long hổ huyền đàn chân quân”. Theo đó thì Thần Tài vốn là người đời Tần, Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam. Sau khi đắc đạo, Thần Tài được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà. Người đời sau cho rằng những ai buôn bán muốn được giầu sang, thịnh vượng thì cúng cầu ông để được phát đạt may mắn.
Cũng có truyền thuyết cho rằng, Thần Tài vốn là người nhà trời. Do uống say rượu mà rơi xuống trần gian. Vì say rượu, ngã đập đầu vào đá nên Thần Tài quên hết chuyện cũ, ông phải lang thang đi ăn mày kiếm sống. Có nhà buôn kia, thấy bộ dạng Thần Tài nhếch nhác, đáng thương nên mới mủi lòng mời Thần Tài vào cửa hàng mình dọn cơm cho ăn. Thần Tài không khách khí, ăn rất nhiều toàn lợn quay, rượu ngọt. Kỳ lạ thay, mỗi khi Thần Tài vào ăn thì hiệu buôn ấy khách theo nhau lũ lượt kéo đến. Ông chủ nhà, buôn bán phát đạt và trở nên giầu có.
Biết Thần Tài có khả năng kéo khách tới nhà, các hiệu buôn khác đua nhau mời ông đến gõ cửa nhà mình để được làm ăn phát đạt. Họ mua mũ, may áo mới tặng cho Thần Tài. Thần mặc áo mới, đội mũ mới thì bỗng nhớ ra chuyện cũ bèn từ biệt mọi người và bay về trời. Đó là ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch – Dân gian gọi là ngày vía Thần Tài.
Một truyền thuyết khác lại cho rằng cả văn thần Phạm Lãi và Võ thần Quan Công cũng được dự vào trong ban thần Tài.
Văn hóa truyền thống Việt Nam vốn không có Thần Tài, tuy nhiên ở phương Nam lại hay thờ tượng ông Địa. Ông Địa thường được khắc họa như một người mập mạp, phương phi, pha chút hài hước. Tay ông Địa cầm quạt, miệng cười hể hả. Người Việt cho rằng ông Địa là thần coi giữ việc đất đai trong nhà ngoài ruộng, nhà có của ăn của để hay không là do chăm chỉ làm ăn và được ông Địa độ cho. Một điều rấ t thú vị nữa là có rất nhiều người Việt không phân biệt nổi giữa Thần Tài, Ông Địa và Phật Di Lạc trong khi 3 vị này là hoàn toàn khác nhau. Có thể là do về ngoại hình Thần Tài, ông Địa và phật Di Lạc có nhiều điểm tương đồng.
Như vậy, có thể thấy Thần Tài và tục thờ thần Tài, thổ địa vốn phát xuất từ nền văn minh Trung Hoa. Do có sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa mà ở Việt Nam hiện nay người ta cũng biết đến và chơi phong thủy nhiều với Thần Tài, Thổ địa. Tất nhiên, quan niệm cũng như cách thức ứng xử tín ngưỡng với những vị này cũng được người Việt tối giản cho phù hợp với đặc tính, phương thức sản xuất, sinh hoạt của dân tộc.
2. Một số lời khuyên của chuyên gia phong thủy
Tín ngưỡng thần Tài, lập ban thờ thần Tài của người Trung Hoa khá là công phu, phức tạp với nhiều hệ thống nghi lễ, nhiều vị Thần Tài khác nhau. Giao lưu với văn hóa bản địa, tín ngưỡng này có sự biến đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, chính sự thay đổi này lại khiến tín ngưỡng thờ Thần Tài, ông Địa trở nên tùy tiện – thiếu đi yếu tố Lễ trong đó. Các chuyên gia phong thủy có đưa ra một số lời khuyên trong việc lập ban thờ Thần Tài thổ địa như sau.
2.1 Một số điều cần làm khi lập ban tài vị Thần Tài
– Rước tượng Thần Tài, ông Địa về nhà cần phải tiến hành làm lễ hô Thần nhập tượng, khai quang điểm nhãn. Nếu không, tượng chỉ có ý nghĩa trang trí như một vật phẩm thông thường.
– Bàn thờ Thần Tài, ông Địa nên đặt ở nơi sáng sủa, quang minh chính đại. Nếu điều kiện không có được ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng tự nhiên yếu thì nhất thiết phải lắp thêm đèn.
– Nơi bàn thờ tài vị Thần Tài là nơi vượng khí ngưng tụ, rất tốt cho phong thủy. Chính vì vậy, rất nên đặt thêm tại phương Tài vị các biểu tượng của Cát lành như Tì hưu, cóc chiêu tài…
– Ban thờ Thần Tài, ông Địa nên là nơi “sinh cơ” nghĩa là nơi tốt cho sự sinh trưởng, phát triển đi lên. Chính vì vậy, rất nên đặt thêm trên ban tài vị Thần Tài các biểu tượng của sự vận động, phát triển không ngừng như cây xanh. Tốt nhất là loài cây quanh năm tươi xanh như cây Phát Lộc hay Vạn Niên Thanh.
– Nên đặt ban thờ Thần Tài, ông Địa ở vị trí gần cửa ra vào hoặc gian phòng chính trong nhà nơi có nhiều người trong gia đình qua lại, sinh hoạt. Các nhà phong thủy cho rằng, việc thường xuyên tiếp xúc với phương Tài Vị như vậy sẽ giúp cho những người trong gia đình được thấm đẫm nguồn Tài khí. Rất tốt cho làm ăn, buôn bán thuận lợi, phát triển.
2.1 Một số điều cần tránh trong việc lập ban thờ ông Địa – Thần Tài
– Ban thờ Thần Tài, ông Địa là nơi kị Thủy (nước, tối tăm, ẩm ướt). Chính vì vậy, khi lập ban thờ nên tránh các khu vực gần nguồn nước như bếp, nhà vệ sinh…
– Nơi ban thờ tài vị Thần Tài là nơi tọa vị của Cát lạc, đại kỵ với ô uế bẩn thỉu. Cho nên không được để nơi đây bụi bặm, dơ dáy.
– Bàn thờ ông Địa – Thần Tài là nơi tụ khí chính vì vậy không được để phương Tài Vị ở nơi trống trải. Tốt nhất là phía đằng sau ban thờ là bức tường lớn để thuận cho việc Tàng phong tụ khí.
– Không để những vật nặng nề như máy móc, két sắt, tủ lớn…quanh khu vực ban thờ Thần Tài
– Không để những vật sắc nhọn, những vật mang sát khí quanh khu vực bàn thờ tài vị Thần Tài – ông Địa.
Dogovansau.com