Đi lễ chùa đầu năm mỗi dịp tết đến xuân về là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam ta. Nhà nhà đi chùa, người người đi chùa với mục đích vừa vãn cảnh xuân vừa cầu mong cho bản thân, gia đình một năm nhiều may mắn, trăm sự hanh thông, vạn sự như ý. Tuy nhiên, phần lớn những người đi chùa chưa biết hết tên cũng như chưa hiểu hết ý nghĩa của những bức tượng thờ trong chùa.
1. Các khái niệm cơ bản cần biết
1.1 Tam Bảo
Ban Tam Bảo là 3 ngôi báu. Tam bảo gồm có Phật, Pháp và Tăng.
– Phật là nhân vật có thật, xuất thân là hoàng tử con vua, vì cảm thấy cuộc sống nhàm chán mà dứt áo ra đi tìm kiếm chân lý cho sự giải thoát. Trải qua nhiều khổ ải cuối cùng hoàng tử đã tìm ra được chân lý cho sự giải thoát khi ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề.
– Pháp là chân lý cũng như cách thức để đạt được sự giải thoát. Sau khi phân tích thực trạng của nỗi khổ, nguyên nhân dẫn đến nỗi đau khổ của con người, Phật chỉ ra cách thức giải thoát khỏi nỗi khổ của con người: không sát sinh, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không trộm cắp.
– Tăng hay sư là những người thi hành, phụng sự chân lý nhà Phật, có nhiệm vụ truyền tải sâu rộng chân lý giác ngộ của nhà Phật đến con người.
1.2 Ban Đức ông
Trong chùa bao giờ cũng có ban Đức Ông. Theo sách nhà Phật thì Đức Ông là người đầu bỏ tiền dựng chùa để mời Phật về giảng đạo. Ông cúng dường và bảo hộ cho các vị chư tăng nhà Phật, có lòng tốt và tinh thần mộ đạo. Ông là một trưởng giả giàu có, không vợ con, chuyên giúp đỡ kẻ nghèo khó, đặc biệt là những cô nhi quả phụ nghèo. Rất nhiều những đứa trẻ được ông chăm bẵm, nuôi dạy nên người. Cảm tạ công đức đó của ông mà người đời tôn ông là vị thần chủ bảo hộ cho chùa và được đúc tượng để tưởng nhớ và thờ phụng.
Ngày này, với những trẻ khó nuôi mọi người thường có tục bán khoán vào chùa chính là bán cho đức ông này những mong đứa trẻ được hưởng phúc đức của ông.
1.3 Ban Mẫu
Xuất phát từ quan niệm thần thánh hóa thiên nhiên, trong tâm thức dân gian cư dân lúa nước thì cạnh những dòng sông, suối, hồ, biển … là nơi tụ thủy, tụ phúc, nơi thuận về sinh sôi nảy nở mang tính nữ (Âm). Vì vậy, để phục vụ tín ngưỡng thờ Mẫu ( người mẹ thiên nhiên) trong dân gian mà chùa thường có thêm ban Mẫu.
Ban Mẫu thờ Tam tòa thánh mẫu: Cao nhất là Thượng Thiên (Mẫu Liễu Hạnh), Mẫu đệ nhị (Mẫu Thoải) và Mẫu đệ tam ( mẫu Thượng Ngàn).
Ngoài ra, Ban Mẫu còn thờ Vua cha ngọc hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, ngũ vị quan lớn, Đức thánh Trần…..Các khái niệm Tam tòa Tứ phủ xuất phát từ việc thờ tự ở ban Mẫu này.
2. Chức năng chính của chùa
Chức năng chính của chùa là thờ Phật, truyền tải giao lý là Phật mong cứu độ chúng sinh thoát khỏi khổ ải, u mê, gột bỏ được tham sân si, sống lương thiện, có ích. Cho nên, chúng ta cần hiểu rõ về vấn đề thờ Phật, cấu trúc và ý nghĩa của các tượng Phật được thờ.
Chính giữa chùa là ban thờ Phật. Trên ban thờ Phật có nhiều lớp tượng khác nhau. Lớp thứ nhất đặt trên cao nhất gọi là Tam Thế tức là hình ảnh Phật ở 3 thời điểm khác nhau Phật a di đà ở quá khứ, Phật thích ca mâu ni ở hiện tại và Phật Di Lặc ở tương lai. Các lớp tiếp theo thấp hơn là tượng các vị Bồ tát và tượng Phật.
Bên phải ban thờ, có tượng một vị cầm thiền trượng, mặc áo cà sa. Đó là Đức Thánh Hiền hay A Nan tôn giả. Tương truyền vị này chính là em họ của Phật. Đức Thánh Hiền trí tuệ siêu huệ nên được Phật giao cho nhiệm vụ thừa kế sứ mệnh của mình sau khi ngài viên tịch.
Nhiều người Việt quan niệm đức Thánh Hiền như một vị quan văn nên thường tới lễ ngài, mong ngài ban cho con cháu được học hành tiến tới.
Lui về sau ban thờ một chút là tượng địa tạng Bồ Tát. Theo quan điểm của nhà Phật thì vị này phổ độ cho những linh hồn oan uổng, lầm lỗi đang phải chịu khổ dưới địa ngục.
3. Lời kết
Khi đến chùa, bạn sẽ gặp 2 tượng lớn đặt ở cửa chùa. 2 vị này là vị Hộ Pháp khuyến Thiện và trừ Ác. Dân gian vẫn quen gọi là ông Thiện, ông Ác. Ông Thiện khuyên người ta tin vào Phật làm những điều tốt lành, ông Ác sẽ trừng trị những kẻ ác tâm, phá hoại Phật pháp.
Theo quan niệm truyền thống, chùa là nơi cứu rỗi cho những linh hồn lạc lối, oan khuất. Nên những đồ vật ở chùa đều mang âm khí, bạn không nên mang về nhà mình cành lá, hay hòn sỏi để làm kỉ niệm. Phong cảnh chung quanh chùa thanh tịnh, nguyên sơ, bạn có thể tha hồ chụp ảnh lưu niệm nhưng không nên chụp ảnh trong chùa nhất là dưới chân tượng Phật vì sẽ phạm phải nhiều điều kiêng kỵ.